Tôi sợ Tây nó cười là như vầy: Tôi sẽ không bao giờ dẫn chúng đến Côn Đảo, vì có hai chi tiết nhỏ, nếu chúng biết chúng cười không phục người mình nữa: Tiểu sử cô Sáu, trong bảo tàng, bên tượng cô, người ta ghi cô bị bắt lúc 14 tuổi, rồi bị đầy đi Côn Đảo. Sau Cô Sáu bị Tây xử tử, ở tuổi 16, 17 gì đó và trước khi chết cô còn hô to câu gì như Việt Nam muôn năm kiểu Nguyễn Thái Học.
Đọc đến đây, tôi khựng lại: Tây nó làm gì bậy thì mình không biết, chứ luật pháp của nó nghiêm minh lắm: Con nít vị thành niên là không đi tù, càng không bị xử tử. Hồi Nguyễn An Ninh còn học trung học, chuyên môn đánh Tây, mà có bị bắt bớ gì đâu, bắt về bót rồi nó thả ngay, và cậu công tử Hốc Môn ta ra khỏi bót lại đi đánh Tây tiếp. Vậy nên nếu tôi đưa cả thằng Tây thiệt và thằng Tây lai của tôi đến đây, chúng đọc được cái tiểu sử của cô Sáu thì chúng cười chết.
Quê hương ngày trở lại: Côn Đảo
Từ Sài Gòn, chúng tôi lấy máy bay ra Côn Đảo.
Chiếc máy bay nhỏ chở đầy hành khách, không một chỗ hở. Mọi người cười nói ồn ào, dường như quen nhau cả. Tôi để ý: hầu như không có người Nam, máy bay chở toàn người Bắc. Có lẽ đây là một đoàn du lịch có tổ chức, mà chúng tôi là hai người lạ duy nhất lạc vào, lại ăn mặc lôi thôi, không giống ai. Tôi đã chú ý đến đám này ngay từ lúc đứng xếp hàng ở Tân Sơn Nhất, vì ông già nhà tôi (kẻ hay than phiền nhất thế giới) lầu bầu rằng mình đến trước mà bị người đến sau lấn chỗ, lời qua tiếng lại với một người đàn ông cao lớn như Tây, áng chừng là trưởng đoàn; thế là ông Tây ta tay dứ nắm đấm định đánh: "Thằng già điên, liệu hồn, muốn chết hử?" Tôi vội vàng líu ríu xin lỗi, vì sợ ông lỡ tay đánh thật thì ông già nhà tôi ra ma ngay.
Từ lúc ấy tôi mới quan sát phái đoàn kỹ hơn: Các ông bà đều mặc quần áo đắt tiền, cười nói oang oang như chỗ không người (y hệt bọn Tây đi du lịch các nước nhược tiểu cách đây mấy năm về trước) giọng en-nờ, e-lờ lẫn lộn. Các bà vận áo đầm đúng mốt, phấn son sặc sỡ, ví vuy-ton loại mới, tôi chắc ví thật. Thứ ví đầm này chúng tôi ở bên Pháp đã ba đời, không đời nào dám mua, vì giá nó đắt bằng một tháng lương người trung lưu, nhưng hai con cháu ngoại tôi lại chê xấu, chúng bảo chỉ tuyền một mầu nâu xỉn và in toàn chữ LV viết móc vào nhau, không có gì sáng tạo. Bây giờ nhà vuy-ton cũng thấy nhược điểm ấy rồi, họ tân trang mầu sắc rực rỡ chẳng kém gì các mác khác. Điểm lạ ở đây là các phu nhân ăn mặc sang trọng như vậy nhưng tay họ lại vác đầy đồ: Các bà cầm những bó hoa thượng hạng, hoặc lệ khệ ôm đồ lễ, vàng mã, đèn nhang. Hoa cũng sang, thứ huệ trắng như tranh Tô Ngọc Vân. Hoa này bên Tây gọi là lys, mỗi bông cũng phải gần chục Euros, tôi chẳng dám mua bao giờ, trừ khi con cháu cho. Tôi không hiểu họ đi Côn Đảo làm gì mà lễ mễ mang theo những thứ lỉnh kỉnh này, chẳng lẽ tất cả mọi người đều có thân nhân chết trong tù, nhưng không dám hỏi, một phần vì vẫn còn sợ ông Tây ta, một phần vì thấy các bà cũng không có vẻ bình dân lắm. Ra khỏi sân bay, hai chúng tôi đi cùng xe ca lớn với họ về khách sạn, trên con đường duy nhất, dọc bờ biển, quanh co đồi núi, phong cảnh tuyệt vời. Xe vừa ra khỏi phi trường chừng cây số, đã thấy một bức tường cổ, tôi đoán chừng là tường thành Catchpoole.
Di tích này gắn bó với thời điểm lịch sử khi quân Anh xâm lấn nước ta đầu thế kỷ mười tám. Theo sử thì tháng 10 năm 1702, Allen Catchpoole đem tám chiến thuyền và hơn 200 quân đến chiếm Côn Lôn, lập đồn trại, gọi là thương điếm. Y tự phong cho mình chức Toàn quyền, hùng cứ, ra vào buôn bán như ở trên đất Anh vậy. Thời đó Anh nhất thế giới, chiếm xong Ấn Độ, họ lập công Ty Anh-Ấn, buôn bán khắp vùng, thực ra thì cái công ty này là giả mạo, bidon, nó chính là bộ chỉ huy của Hoàng gia Anh ở ngoài nước trá hình. Anh, Pháp khi đi đâu buôn bán thường kéo cả hạm đội theo, trên đã có sẵn quan "Toàn quyền", Pháp còn mang cả ông cố đạo, để uỷ lạo tinh thần binh lính và khai hoá bọn man dân bản xứ. Đến chỗ đất nào, có vẻ vô chủ hoặc có rồi mà dân cư thưa thớt, không có lính bảo vệ, là họ nhào vô, xí đại, vì họ có sẵn ca-nông, lại có đủ mặt các quan (từ quan một, quan hai, đến quan năm) điều khiển, thì bọn bản xứ man ri mọi rợ nào dám chống lại. Chuyện ông Allen Catchpoole đại khái là như thế.
Sau khi ghé Tầu, không làm ăn gì được, ông bèn xuôi Nam, đến Côn Đảo thấy phong cảnh hữu tình, dân cư thưa thớt, bèn đổ bộ vào tháng tám năm Nhâm Ngọ tức tháng 10 năm 1702, sử mình viết rõ lắm: "Giặc biển là người Man An Liệt [các cụ phiên âm chữ English] có tám chiếc tầu đến đậu ở đảo Côn Lôn. Trưởng là bọn Tô Thích Già Thi [các cụ phiên âm chữ Allen Catchpoole] năm người tự xưng là nhất ban, nhị ban, tam ban, tứ ban [tức là quan một, quan hai, quan ba, quan bốn] (...) cùng đồ đảng hơn hai trăm người, kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác". Trước một lực lượng hùng hậu như thế, các cụ phải chịu thua lúc đầu, vả lại lúc đó Quốc Chúa mới chiếm xong Thuỷ Chân Lạp, còn đang lo bình định. Hơn một năm sau các cụ mới "phản công" và dùng mưu Khổng Minh Gia Cát: Chúa Nguyễn Phước Chu, tức Quốc Chúa, thấy bọn giặc biển bấy giờ đã đã lập xong sự nghiệp thành trì, bèn sai Trương Phước Phan (cha Trương Phước Loan) xử lý vụ này. Phước Phan mộ 15 người Mã Lai cảm tử làm kế trá hàng, vào thành Catchpoole, đến đêm nổi lửa đốt thành, đâm chết quan một, quan hai, mở cửa cho quân Việt vào. Quan ba, quan tư trốn thoát. Bắt sống quan năm, tức Catchpoole, giải về kinh, dọc đường chẳng may ông ta bị chết (các cụ không nói rõ chết như thế nào). Quân Anh từ đó không dám bén mảng tới Côn Lôn nữa. Mà cũng không dám kêu ca gì với "quốc tế", chỉ nói đại khái là bị quân Mã Lai "làm phản". Có lẽ họ hơi ngượng. Một nhân chứng người Anh, là Finlayson, đến Côn Lôn 120 năm sau (1822) còn tìm thấy vết tích: "Cách bờ biển độ nửa dặm [800m], chúng tôi thấy tàn tích của công ty thương mại ngày xưa đã xây dựng trên đảo này.”
Đi khỏi phi trường một lúc, chúng tôi nhìn thấy một tường thành dài chạy dọc theo đường xe đi, tôi không dám chắc đây là một phần tường thành Catchpoole, nhưng cứ chụp ảnh và ghi lại đây, hy vọng một ngày sẽ có nghiên cứu sinh trẻ quan tâm tìm kiếm, may ra xác định, hoặc tìm lại được dấu vết ở chỗ khác chăng? Điều này khả thể bởi vì Côn Đảo không bị chiến tranh tàn phá, các dấu tích đã còn lại từ 1822, có thể tiếp tục tồn tại đến bây giờ.
Tôi đến đây cũng còn vì một câu trong Đại Nam Nhất Thống Chí đã ám ảnh tôi hoài: "Khoảng năm Khang Hi thứ 46 [tức năm 1707, thực ra là 1702], người Hồng Mao lại mưu chiếm Côn Lôn, nhưng không dám ở gần núi, đến ven biển mà dựng phố xá. Vì Côn Lôn là chỗ bốn bể thông với các biển, nên chúng thèm nhỏ dãi không thôi.” Tôi thích nhất câu chúng thèm nhỏ dãi không thôi, nên đọc tới đó, trong bụng nguyện thế nào cũng phải đến tận nơi xem tại sao các cụ lại bảo: chúng thèm nhỏ dãi.
Côn Đảo dân cư thưa thớt, chắc không khác quang cảnh những thế kỷ trước là bao. Chúng tôi ở khách sạn nhà nước, giá rẻ, đó là một resort nằm trên bãi biển, đầy đủ tiện nghi, nhân viên tiếp đãi lịch sự, trong phòng khách nhìn ra biển có treo bức tranh vĩ đại Đầm Sen của Monet, nhưng người vẽ lại chia làm ba tấm, lồng khung ba lần. Tôi nói với em tiếp khách: cháu nhắc ông chủ ghép lại thành một bức thì mới đẹp, nhưng thấy nó cười cười vâng vâng dạ dạ, cho xong chuyện, chứ không chú ý lắm. Biển xanh ngọc bích, bãi cát mênh mông hệt như chúng ta thấy quảng cáo trên tivi, về những nơi được gọi là thiên đường hạ giới như: Tahiti, Madagascar...
Côn Đảo nước tôi cũng là một thiên đường hạ giới, và tôi thấy các cụ nói đúng: bọn chúng đi qua phải thèm nhỏ rãi.
Bây giờ tôi đang ở đây, trước cảnh trời nước bao la, cát trắng mịn, biển biếc, nước trong vắt nhìn thấy đáy. Khách sạn có cả phái đoàn đi cùng trên máy bay buổi sáng, nhưng không ai tắm, chỉ có hai chúng tôi. Không cảm tưởng nào êm dịu bằng. Trưa hôm đó chúng tôi ăn đồ biển lần đầu ở Côn Đảo. Ghẹ Hà Tiên đã kinh hồn rồi, đến Côn Đảo ghẹ còn ghê hơn, mà còn thêm bao nhiêu thứ khác, tôm, cá, sò, ốc, tôm hùm, mực, rùa biển... Bạn không thể nhớ hết tên, cũng không nhận diện được hết cả, bởi cơ man nào... Bạn chỉ cần chỉ tay vào hồ nước, bất cứ chủng loại nào, đều tươi, nhẩy, đầu bếp vớt ra xào nấu theo thực đơn. Tôi không nghĩ có thiên đường nào khác hay hơn, trên trái đất.
Chiều hôm đó chúng tôi lên xe điện đi một vòng thành phố, bé tí, nhưng cảnh đẹp vô cùng, lô nhô đầy quần đảo vây quanh. Nhà tù là phần chính của thành phố, cũng gần biển, bây giờ không giam ai nữa. Nắng gió, như món quà đến từ trời thổi về an ủi những linh hồn chỉ tìm được tự do sau khi chết.
Chúng tôi định nghỉ ngơi hôm trước và sáng sau đến nghĩa trang Hàng Dương thăm mộ Nguyễn An Ninh, nhưng cậu guide bảo: “Ấy, cô đến đây mà không đi Hàng Dương ban đêm thì kể như chưa đi Côn Đảo.” “Có gì vậy em?” “Bí mật, cô phải đến mới biết được. Mà phải mười hai giờ đêm mới linh.” Tôi giãy nảy: “Cô sợ ma không đi đêm đâu và giờ ấy cô ngủ từ khuya rồi.” Cậu trẻ nhất định: “Thôi cháu đến đón cô chú 9 giờ tối vậy, sớm quá, ít người không vui.” Tò mò thúc giục, tôi gật đầu.
Đúng chín giờ, xe điện đón chúng tôi chở đến cửa nghiã trang. Chúng tôi theo chân cậu guide, một cảnh tượng âm u hoành tráng hiện ra trước mắt: hai hàng dương liễu sừng sững trong bóng tối chập chờn dẫn vào nghĩa địa, một điệu nhạc đông tây giao hưởng giữa Requiem Mozart và bát âm cầu hồn, mời gọi người sống giao lưu cùng người chết. Tôi vốn tính sợ ma từ nhỏ, bấy giờ lạnh người, nổi da gà, chân tay rã rời không muốn bước, nhưng cũng không dám lui. Cậu guide đi trước, chúng tôi bám sát theo, được một lúc, cậu dẫn chúng tôi rẽ sang một con đường nhỏ, còn rùng rợn hơn: chúng tôi đi giữa hai hàng mộ, mộ áp sát chân, vừa áp đảo, vừa quyến rũ, tôi sợ dẫm lên mả, nhạc vẫn đi theo như mời gọi, kéo mình vào sâu hơn, sâu hơn... Tôi đi như người lên đồng, như kẻ bị ma làm, đụng một đám người đi trước, họ vui vẻ như trẩy hội chùa Hương.
Cậu guide quyết giữ bí mật đến phút chót, cuối cùng, một ngôi mộ rất lớn hiện ra: Mộ cô Võ Thị Sáu, lần thứ hai tên cô trở lại, từ hôm tôi về nước. Lần này cô không bị xỉ vả là người vô học mà cô được sùng bái như một nữ thần. Mặc dù có bảng: “Yêu cầu quý khách không đặt đồ lễ lên mộ", vậy mà trên mộ đã bầy la liệt: vàng hương, bánh trái, hoa quả, như một ngày lễ tập thể cúng cô hồn. Tôi chụp vội vài cái ảnh vì trời chưa tối mịt và mới chỉ có ít người quanh mộ, họ bận rộn sắp đồ lễ, đốt nhang; quang cảnh vừa âm u vừa lạ lùng mà thân thuộc: trong đám đồ lễ có rất nhiều nón, chừng họ thương cô ở dưới ấy trời nắng gắt.
Người đến lễ đông dần quây kín mộ, tôi để ý toàn tiếng Bắc, không thấy tiếng Nam. Hoá ra lễ cô hồn cũng phân chia Nam - Bắc, ai có thánh của người nấy. Tôi nhận ra phái đoàn đồng hành trên máy bay, vẫn quần áo lộng lẫy, các bà mặc váy xoa-rê, lóng lánh kim tuyến, riêng bà Đầm ta, vợ ông Tây ta, vận bộ váy dài trắng kết voan kiểu áo cưới Diana. Ông Tây ta mặc cốt-tuym, ka-vát, đầu đội nón nỉ vành cao Maurice Chevalier, rất bảnh. Nhìn thấy chúng tôi ở đây, mắt ông thân thiện hơn nhiều, cái nhìn có vẻ bao dung, chừng như âu yếm nữa. Nhiều người vào lễ, chen nhau khấn vái, có người khấn lâm râm, có người khấn rất to, tuồng như sợ kẻ bên cạnh lấn lướt, khiến cô Sáu không nghe được giọng mình. Đại khái họ cầu cô Sáu phù hộ cho họ lên quan tiến chức, cầu cô Sáu giúp họ trúng món thầu to... khấn xong họ hể hả đốt vàng mã như để bảo cô: đấy nhá có tiền tiêu rồi nhá, bạc tỷ đấy chứ có ít đâu, nhớ mà phù hộ đi, đừng có quên đấy. Đồ lễ đem theo xác định vị trí của họ ở nóc nào trên các đỉnh đại gia. Đêm càng khuya, người đến lễ càng đông, khói nhang vàng mã ngộp thở mặc dù trời cao đất dầy và những ngôi mộ bạt ngàn trong nghiã trang nằm im, vô chủ, không nói, không hương, không khói, không thở.
Tôi thương cô Sáu. Tôi cũng khấn cô, mong cô phù hộ, để có một người khôn ngoan đốt cho cô cái máy tính, để cô thu hết những lời thành khẩn bên mộ, chia thứ tự mà thi hành theo đúng nguyện vọng từng người, đừng bỏ quên ai, nhất là những người như ông Tây ta cầu mà không thấy thiêng là ông đánh chết mất xác. Tôi cầu cô sống khôn chết thiêng, cô còn trẻ quá, cô chả biết những dàn cảnh âm u, nhạc cầu hồn, chẳng dành cho cô đâu, mà chỉ để lôi cuốn đám khách mê tín dị đoan, đi du lịch "tâm linh", bay từ Hà Nội vào Sài Gòn rồi đổi máy bay ra Côn Đảo, ở đúng một đêm, sáng sau lại bay về Bắc. Họ tốn bạc triệu không để viếng cô đâu mà để cầu giầu, cầu sang, cầu thăng quan tiến chức.
Sáng hôm sau, chúng tôi quay lại Hàng Dương thăm mộ Nguyễn An Ninh. Nghĩa trang hiện ra trong ánh sáng thanh thiên bạch nhật, đẹp hùng vĩ, xứng đáng là nơi an nghỉ của hàng ngàn người tù đã ngã xuống, trải bao thế hệ. Cảm ơn ban quản lý Côn Đảo đã xây dựng nghiã trang này. Mộ Nguyễn An Ninh nằm sâu trong nghiã địa, ông mất đã hơn bẩy mươi năm, nhưng vẫn trẻ như ngày nào; muôn đời vẫn giữ địa vị lãnh đạo thanh niên qua những tác phẩm, diễn ngôn ông để lại. Tôi thích ông vì ông là nhà cách mạng trẻ, chịu chơi nhất, để tóc dài từ năm 1920. Đẹp trai, sang Pháp làm tốp-mô-đen kiếm tiến để học và hoạt động chống Pháp. Cuối tuần ra rừng Boulogne, rượt đọc đít-cua tiếng Tây cho hùng hồn vì ông nói lắp từ nhỏ. Ông còn biết tạo kiểu mẫu áo nữa: Loại cổ cao, ông thiết kế từ năm 1920, không biết năm nào thì bị Mao cóp. Đến 1968, phong trào sinh viên nổi loạn chống "độc tài De Gaulle" do Daniel Cohn-Bendit cầm đầu, sao lại cổ áo lãnh tụ Mao thần tượng, gọi là mốt mao-ít, hay mốt híp-pi. Khoảng 1980, Karl Lagerfeld, cái ông người Đức, thiết kế hàng đầu của Pháp, giám đốc mỹ thuật nhà Chanel, vừa mới chết, sao lại bọn híp-pi lần nữa, chế biến chút đỉnh, được cả thế giới khâm phục. Nhưng mà xem ra tất cả các bản sao không bằng được bản chính. Bản của Karl Lagerfeld gượng ép lắm, nhất là ông ta lúc nào cũng ra bộ trịch thượng, mắt đeo kính dâm thầy bói, tay đeo găng như người cùi, cổ áo cao quá, chẹn lại, như bị ai bóp cổ sắp lè lưỡi, chẳng tự nhiên và sang trọng như cổ áo Nguyễn An Ninh sáng tạo cách đây đúng một thế kỷ. Tôi biết nước tôi có nhiều người xuất chúng, kể cả ở Côn Đảo, nên tôi coi Tây cũng thường thôi.
Cái tôi sợ nhất là Tây nó cười. Vì tôi cũng hay đì Tây: thằng con rể và thằng cháu ngoại, một thằng Tây thiệt, một thằng Tây lai, chúng đều cao gần hai mét, mỗi lần nói chuyện với tôi chúng phải gập đôi người lại như người Nhật. Với thằng Tây thật, tôi bảo: tổ tiên chúng bay sang nước tao làm bậy, đã chiếm nước người ta rồi còn biạ, vừa đánh trống vừa ăn cướp, bảo là để giáo hoá. Tao xem ra tổ chúng mày chỉ có vài công nhỏ, trong đó việc xây trường Mỹ Thuật Đông Dương là được, còn tất cả chả ra gì, không có chúng mày nước tao cũng làm được. Thằng con rể mắt xanh mặt nghệt ra. Còn mấy đứa cháu Tây lai, thì không biết tôi nói gì mà có đứa, bố là Tây thật, mà bốn tuổi đi học mẫu giáo, nhất định nó chỉ viết tên ta. Bà nội và cô giáo gọi nó tên Tây, nó lờ đi như gọi ai, không phải nó.
Tôi sợ Tây nó cười là như vầy: Tôi sẽ không bao giờ dẫn chúng đến Côn Đảo, vì có hai chi tiết nhỏ, nếu chúng biết chúng cười không phục người mình nữa: Tiểu sử cô Sáu, trong bảo tàng, bên tượng cô, người ta ghi cô bị bắt lúc 14 tuổi, rồi bị đầy đi Côn Đảo. Sau Cô Sáu bị Tây xử tử, ở tuổi 16, 17 gì đó và trước khi chết cô còn hô to câu gì như Việt Nam muôn năm kiểu Nguyễn Thái Học. Đọc đến đây, tôi khựng lại: Tây nó làm gì bậy thì mình không biết, chứ luật pháp của nó nghiêm minh lắm: Con nít vị thành niên là không đi tù, càng không bị xử tử. Hồi Nguyễn An Ninh còn học trung học, chuyên môn đánh Tây, mà có bị bắt bớ gì đâu, bắt về bót rồi nó thả ngay, và cậu công tử Hốc Môn ta ra khỏi bót lại đi đánh Tây tiếp. Vậy nên nếu tôi đưa cả thằng Tây thiệt và thằng Tây lai của tôi đến đây, chúng đọc được cái tiểu sử của cô Sáu thì chúng cười chết.
Lại thêm một chuyện này nữa, tôi có trong tay một tài liệu quan trọng là lá thư của viên bác sĩ Pháp phụ trách trại giam nơi Nguyễn An Ninh ở (là trại Phú Sơn, trại này lúc tôi đến thăm đang đóng cửa trùng tu) gửi cho Toàn quyền Pháp ở Sài Gòn yêu cầu chuyển ngay Nguyễn An Ninh về Khám lớn để điều trị vì ông bị bệnh phù thũng trầm trọng. Nhưng khi thư đến phủ Toàn quyền thì Pháp đã bị Nhật đảo chính, không còn quyền hành gì nữa, do đó lá thư không ai trả lời, và Nguyễn An Ninh đã chết oan vì hoàn cảnh chiến tranh, không phải vì thực dân tàn ác, bỏ đói khát, bệnh tật, như ta thường viết ở khắp nơi. Nguyễn An Ninh khi ở tù khám lớn, được Tây một điều Monsieur hai điều Monsieur tức là Thưa ông theo lời Phan Văn Hùm kể. Và ở Côn Đảo ông có phòng riêng trong trại Phú Sơn vừa xây xong.
Chưa kể tôi còn nắm thêm tài liệu tốt, từ người thân của ông: Tụi Nhật cũng muốn cứu Nguyễn An Ninh, nó sai người đến mời bà Ninh đi Côn Đảo cùng với nó để khuyên ông về lại đất liền, nhưng bà Ninh không đi (sau này người ta viết rằng vì bà cực lực chống Nhật). Tôi thì tôi không tin lắm vì tôi chắc lúc đó bà chưa có lập trường chính trị rõ ràng, và cũng đã nhiều năm bà không liên lạc với chồng nữa, vậy nếu bà có lập trường thì chắc là về tình cảm.
Tôi đến Bảo tàng Côn Đảo để hỏi xem họ còn giữ di tích tài liệu gì về Nguyễn An Ninh không, cho cuốn sách sẽ viết. Ví dụ những trang Nguyễn An Ninh viết trước khi chết, gửi lại cho các con như chúc thư tư tưởng, theo lời Hồ Hữu Tường kể lại. Nhưng đã không tìm được gì. Một người nhiều tuổi, khẽ bảo tôi: Còn gì đâu cô, hồi giải phóng, người ta đốt ba ngày không hết tài liệu. Tôi ngỡ ngàng buồn bã: Tại sao đốt tài liệu Côn Đảo, nếu đốt hết thì còn gì để chứng minh tội ác Thực Dân-Mỹ Ngụy, ngoài những hoạt cảnh tân tạo, bằng thạch cao mới nặn, bầy trong tủ kính? Bây giờ nước ta nhiều khách du lịch lắm rồi, và Tây đi du lịch là nó hay tìm những di tích lịch sử có liên can đến nó. Mình làm ăn không cẩn thận, Tây nó cười cho.
Còn một chuyện này nữa: đây là chuyện trong nhà: chuyện bà Phi Yến nhiều nơi truyền tụng. Bà Phi Yến được thờ ở An Sơn Miếu, một địa điểm du lịch quan trọng khác của Côn Đảo. Theo chính sử, tháng 7/1783, Nguyễn Ánh đóng quân ở Phú Quốc. Quân Tây Sơn do Phan Tiến Thuận chỉ huy tiến đánh. Lê Phước Điển liều mình cứu vua, quần thần và hoàng tộc nhiều người bị hại, Nguyễn Ánh chạy thoát ra phiá Côn Lôn (Côn Đảo).
Tháng 8/1783, Nguyễn Huệ lại sai phò mã Trương Văn Đa vây vùng Côn Lôn, nhờ bão thuyền Tây Sơn bị đắm, Nguyễn Ánh vượt vòng vây, đến đảo Cổ Cốt, rồi quay về Phú Quốc. Nghe tin Bá Đa Lộc ở Chân Bôn, Ánh sai người đến vời, trao quốc ấn cho Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnh đi trốn.
Và đây là tóm tắt chuyện bà Phi Yến, ghi trên tấm bia đặt ngoài cửa An Sơn Miếu ở Côn Đảo: Bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm, là thứ phi của Nguyễn Ánh. Năm 1783, Nguyễn Ánh chạy ra Côn Đảo, có ý định giao hoàng tử Cải, con bà Phi Yến, cho Bá Đa Lộc đưa sang Pháp làm con tin, bà khuyên Ánh không nên cầu cứu ngoại bang. Ánh bắt giam bà trong một cái hang ở đảo xa và đem hoàng tử Cải xuống thuyền chạy Tây Sơn, nhưng cậu bé khóc lóc đòi mẹ, bị Ánh ném xuống biển... Còn bà Phi Yến được hai thần vật là Vượn Bạch và Hắc Hổ cứu sống, sau bà lại bị một tên vô lại định cưỡng bách, bà nhẩy xuống biển để giữ tròn trinh tiết.
Chuyện Nguyễn Ánh gửi hoàng tử Cải cho Bá Đa Lộc xẩy ra cùng năm (1783) với chuyện Nguyễn Ánh gửi Hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc đem đi trốn. Vậy là năm 1783, Ánh gửi tới 2 con, 2 lần, cho Bá Đa Lộc?
Năm 1783, Ánh 21 tuổi. Vợ chính thức là Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, con gái quan Thái bảo Tống Phước Khuông, cưới năm Mậu Tuất (1778, lúc 16 tuổi) sinh hai con trai: Chiêu, chết sớm, và Cảnh sinh năm 1780. Từ năm 1780 trở đi, Ánh gặp toàn hoạn nạn, một mặt Tây Sơn tấn công không ngừng vì Nguyễn Huệ muốn tiêu diệt hết họ Nguyễn. Một mặt, gia đình Mạc Thiên Tứ (con trai Mạc Cửu), tuyệt đối trung thành, bị vua Xiêm nghi ngờ, giết hết cả thẩy 53 người. Chính Nguyễn Ánh phải giết Đỗ Thanh Nhơn, đệ nhất danh tướng, vì tội chuyên quyền. Quân Đông Sơn (thuộc hạ của Đỗ Thanh Nhơn) nổi loạn ở Ba Giồng. Mạn Hoè người Tây theo Nguyễn Ánh bị Nguyễn Huệ đốt cùng với tầu, chết cháy. Ánh và gia quyến chạy về Phú Quốc. Tháng 7/1783, Phan Tiến Thuận tiến đánh, Lê Phước Điển phải mặc áo bào theo Lê Lai liều mình cứu chúa. Anh em họ hàng Nguyễn Ánh bị giết cả. Ánh trốn thoát ra phiá Côn Lôn. Nguyễn Huệ lại sai phò mã Trương Văn Đa vây Côn Lôn, Ánh chạy vòng vo một hồi ở Côn Lôn rồi quay trở về Phú Quốc, hay tin Bá Đa Lộc đang ở Chân Bôn (Chantabun, Xiêm), bèn cho người vời Bá Đa Lộc về và trao hoàng Tử Cảnh cho Bá Đa Lộc đem đi trốn. Lúc đó chưa có ý định cầu viện Tây phương, Ánh chỉ sợ cả nhà bị bắt, địch giết mất con thì sẽ bị tuyệt tự. Phải hai năm sau, đến tháng 2/1785, sau khi Nguyễn Huệ phá tan quân Xiêm ở trận Rạch Gầm Xoài Mút, thế cùng cực, Nguyễn Ánh mới giục Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh sang Pháp.
Liệt truyện ghi rõ tên các bà hoàng, bà phi và các con của vua: Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, có 2 con, Chiêu, chết sớm và Cảnh, sinh năm 1780. Hy, hoàng tử thứ hai, không biết tên mẹ. Tuấn, thứ ba, mất sớm, tên mẹ là Chiêu Dương. Minh Mạng, tức Đởm, thứ tư, mẹ là Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu con gái Thọ Quốc Công Trần Hưng Đạt, v.v...
Không thấy ghi tên bà Phi Yến và hoàng tử Cải ở đâu, đã đành, bởi vì nếu Nguyễn Ánh "giết cả hai mẹ con", thì khỏi nói rồi. Nhưng tôi không tin Ánh có "thì giờ" làm chuyện đó.
Từ lúc lên ngôi Vương, Ánh chạy Huệ suốt. Không thấy chỗ nào nói Ánh ra Côn Lôn nghỉ mát để lập phòng nhì. Đến lúc chạy ra Côn Lôn năm 1783, cũng không chắc Ánh có ghé vào đảo. Chưa có tài liệu nào chứng minh việc này. Mà nếu Ánh có ra Côn Lôn để cứu con rơi đi nữa, thì chắc cũng phải có vú nuôi hoàng tử, chứ đâu đến lượt vua phải tã lót, ru dỗ không nổi thằng bé, khiến nó khóc toáng lên, phải vứt nó xuống biển! Chưa kể bà Phi Yến vì khuyên Nguyễn Ánh đừng cầu viện Pháp mà bị Ánh giam trong hang tối. Lúc đó Ánh đã tính chuyện cầu viện gì đâu? Rồi bà Phi Yến lại được khỉ trắng và hổ đen cứu. Rồi bà lại xém bị tên vô lại hiếp. Rồi bà lại dại dột nhẩy xuống biển tự tử, thành ra ta không thể biết dấu tích bà đâu mà điều tra.
Người nào bịa chuyện này thực có óc tưởng tượng phong phú và chắc chắn phải ghét Gia Long và nhà Nguyễn lắm. Ghét đến độ nào? Từ lâu người ta đã lưu truyền câu Gia Long cõng rắn cắn gà nhà. Vậy câu chuyện này chỉ để biện minh cho giả thuyết vua Gia Long "bán nước".
Tôi đọc đi đọc lại tấm bia sừng sững trước cổng Miếu, không tin được mắt mình: Một chuyện phong thần như vậy, kể lăng nhăng trên Youtube thì còn hiểu được. Vào Internet, bạn có thể thấy không chỉ một cô Răm mà còn cả mấy cô nữa, ở chỗ nọ, chỗ kia, khi vua chạy giặc, đã liều mình đem về nhà cho ăn cho uống, rồi còn liều thân hiến vua, vậy mà sau này vua vô ơn không thèm nhòm ngó. Nhưng chuyện cô Răm, được dựng thành bia, thành miếu thờ, thì có chỗ đáng ngại hơn.
Ghét vua Gia Long đến như bọn Bissachère, Sainte-Croix ngày trước cũng không dám bịa chuyện Gia Long giết con, giam mẹ. Vậy sao tại chính đất Việt Nam, ở Côn Đảo này, hiện nay, vẫn còn tồn tại việc thờ bà thánh Phi Yến, cả mẹ lẫn con bị giết (một cách man rợ) bởi bàn tay vị vua xây dựng triều Nguyễn, mà ban Quản Lý Di Tích Côn Đảo, khi ký tên dưới những dòng chữ này, lại không nghi ngờ gì cả.
Côn Đảo có phong cảnh, khí hậu, hải sản, tuyệt vời.
Côn Đảo đã được các chúa ghi nhận là nơi bọn Tây dương thèm nhỏ rãi.
Vậy đâu cần huyền thoại, Côn Đảo vẫn là khoảng đất trời thần tiên của nước Việt ta.
Paris tháng 5/2019
© 2019 Thụy Khuê
© 2019 Thụy Khuê
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment