Vì sao các cường quốc đua nhau thám hiểm Mặt trăng và vũ trụ năm 2023?
Vì sao các cường quốc đua nhau thám hiểm Mặt trăng và vũ trụ năm 2023?
https://www.bbc.com/vietnamese/world-64036429
Năm 2023, Nga, Ấn Độ và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu sẽ thực hiện các sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng và xa hơn nữa là tiến sâu vào vũ trụ.
Ai đang khởi động các sứ mệnh lên Mặt trăng?
Ấn Độ có kế hoạch khởi động sứ mệnh Chandrayaan 3 lên Mặt trăng vào tháng 6/2023. Ấn Độ lần đầu tiên lên mặt trăng vào năm 2008 với Chandrayaan 1.
Nga có kế hoạch khởi động sứ mệnh Luna 25 vào tháng 7/2023, đưa tàu thăm dò lên Mặt trăng để thu thập các mẫu đất đá từ vùng cực nam của nó.
SpaceX có kế hoạch đưa tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa và tám hành khách khác tham gia chuyến du hành quanh Mặt trăng vào cuối năm 2023. Đây sẽ là sứ mệnh đầu tiên của tàu vũ trụ Starship có khả năng chở 100 người.
Nasa, cơ quan vũ trụ của Hoa Kỳ, có kế hoạch khởi động sứ mệnh Mặt trăng tiếp theo vào năm 2024. Được gọi là Artemis II, sẽ đưa các phi hành gia lên quỹ đạo Mặt trăng.
Nasa dự kiến sẽ khởi động sứ mệnh Artemis III vào năm 2025 hoặc 2026, đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên Mặt trăng.
Đây sẽ là lần đầu tiên con người bước trên Mặt trăng kể từ sứ mệnh Apollo cuối cùng của Nasa vào năm 1972. Nasa cho biết họ sẽ sử dụng Tàu vũ trụ X cho sứ mệnh này.
Trung Quốc đã công bố kế hoạch với Nga để thiết lập một căn cứ chung trên Mặt trăng vào năm 2035, nhưng chưa có mốc thời gian nào được vạch ra cho dự án.
Tại sao các quốc gia quay trở lại Mặt trăng?
Tiến sĩ McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian ở Mỹ, cho biết mục tiêu của các cường quốc không gian như Mỹ, Nga và Trung Quốc là thiết lập các căn cứ trên Mặt trăng để các phi hành gia sinh sống.
"Mặt trăng đang được sử dụng như một bước đệm để đến những nơi như sao Hỏa," ông nói. "Đó là một nơi tuyệt vời để thử nghiệm các công nghệ không gian sâu."
Tiến sĩ Lucinda King, giám đốc dự án không gian tại Đại học Portsmouth, cho biết việc phóng tàu vũ trụ từ Mặt trăng cũng tốn ít nhiên liệu hơn từ Trái đất để du hành vào không gian sâu.
Và, bà nói thêm, một nguồn nhiên liệu đã được phát hiện trên Mặt trăng.
"Người ta biết rằng có nước ở cực nam của Mặt trăng," Tiến sĩ King nói. "Nó có thể được xử lý thành hydro và oxy, có thể được sử dụng để tiếp nhiên liệu cho các chuyến du hành tới Sao Hỏa và các nơi khác."
"Đó là một lý do tại sao các nước vội vàng quay trở lại Mặt trăng - để khẳng định chủ quyền đối với nguồn nước ở đó."
Những sứ mệnh khác được lên kế hoạch 2023?
Nasa sẽ phóng tàu vũ trụ Psyche vào mùa hè năm 2023 để khám phá một tiểu hành tinh có tên 16 Psyche, được cho là tàn tích của một hành tinh được tạo ra trong những ngày đầu tiên của hệ mặt trời.
Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (Esa), một tổ chức được hỗ trợ bởi 22 quốc gia Châu Âu, có kế hoạch phóng Jupiter Icy Moon Explorer (JUICE) vào tháng 4/2023.
Tàu thăm dò sẽ tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống trong nước đóng băng được cho là nằm dưới bề mặt của ba trong số các mặt trăng của Sao Mộc - Ganymede, Callistro và Europa.
Tuy nhiên, để phản đối cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Esa sẽ không còn sử dụng tên lửa của Nga để đưa kính viễn vọng không gian Euclid vào quỹ đạo vào năm tới. Thay vào đó, họ sẽ sử dụng tên lửa SpaceX Falcon 9.
Esa cũng đã ngừng hợp tác với Nga trong sứ mệnh ExoMars để đưa một robot thám hiểm lên sao Hỏa, trì hoãn việc phóng cho đến năm 2028.
Trung Quốc có kế hoạch đưa kính thiên văn có tên Xuntian vào quỹ đạo thấp của Trái đất vào tháng 12/2023, để lập bản đồ các ngôi sao ở xa và lỗ đen.
Nước này đã đưa tàu thăm dò và robot tự hành trên Mặt trăng và Sao Hỏa, và đã đưa một trạm nghiên cứu khoa học vào không gian, được gọi là Tiangong.
Tiến sĩ McDowell nói: "Trong những năm gần đây, đã xuất hiện một triển vọng về việc loài người sẽ vươn tới sao Hỏa và xa hơn nữa.
Đó là lý do tại sao các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành cường quốc không gian trong những năm gần đây, cùng với Mỹ, Nga và Châu Âu, ông nói.
"Chính phủ của họ đang nghĩ: nếu đó là tương lai, chúng tôi không muốn đất nước mình bị bỏ lại phía sau."
No comments:
Post a Comment